
Chứng kiến mô hình Play to Earn (P2E) – chơi game kiếm tiền, bùng nổ trong và sau đại dịch Covid khi cả Thế giới lock-down, các công ty cắt giảm nhân sự, giảm lương, hạn chế tiếp xúc vật lý. Tôi cũng khá tò mò nhưng không có hứng thú đến mức bỏ một cục tiền để bắt đầu chơi game kiếm tiền, thường khoản tiền phải bỏ ra để mua nhân vật, trang bị hoặc starter pack để tham gia vào hệ thống (1).
Chơi game kiếm tiền?
Đó là một khái niệm nghe có vẻ mới, nhưng hãy nhớ lại thời những năm 2000, khi hàng loạt các game như Võ Lâm Truyền Kỳ, MU, PTV… những game MMORPG (Massively Multiplayer Online Role-playing) đầu tiên xuất hiện, game thủ đã biết cách kiếm tiền từ chúng.
Cày thuê là dạng phổ biến nhất, rồi đến cày để lượm iteam hiếm hay bây giờ NFT gọi là mining vật phẩm trong game. Tôi có một vài đứa bạn đã tham gia kiếm tiền bằng cách này, và tựu chung tụi nó phải dành rất nhiều thời gian cho game và cái gì quá thì sẽ đến lúc phản. Kết quả cày game thực ra không vẻ vang gì, tiền kiếm được chỉ đủ cho tụi nó trả tiền thuê máy ở tiệm net, đứa nào có máy thì chơi bot, nhưng tính chung các chi phí điện nước ăn uống chỉ vừa đủ huề vốn. Tuy vậy, những câu chuyện huyền thoại kiểu như ông ABC mới trade được cây trường kiếm cực hiếm với giá lên đến vài trăm triệu hay có bộ giáp nào đó lên đến cả tỉ vẫn lan truyền trên các trang game và thỉnh thoảng lên cả báo chính thống. Tôi thì, ừ đọc cho vui, chứ nói thật ai đi kiểm chứng mấy cái tin đó? Tin giả hay thật làm sao mà biết 🙃. Nhưng có một điều chắc chắn là những mẩu tin như thế duy trì mô hình P2E sơ khai này và kéo một lượng lớn player cho các tựa game này (2).
Ai mà không thích tiền? danh vọng? P2E dựa vào tâm lý này, nói một cách ngắn gọn thì đó là lòng tham (3).
P2E không phải là mô hình bền vững
Ít nhất là đối với tôi, người ta chơi game để giải trí, để tìm kiếm niềm vui Play for Fun (P4F). Khi lồng kiếm tiền vào trong đấy, như một phần thưởng cho nhiệm vụ, thì nó cũng vui đấy giống như việc kiếm một vài đồng bạc từ máy đánh bạc, từ bạn bè, nhưng nếu chuyển qua chơi chuyên nghiệp để kiếm tiền như một nguồn thu nhập thì đó là lại là một câu chuyện khác. Chơi game lúc đó không còn để kiếm niềm vui mà đề kiếm tiền, trở thành trách nhiệm và trách nhiệm là thứ thường đối lập với niềm vui.
Khi kinh tế đi xuống vì dịch, có những công ty đóng cửa và nhân sự của công ty đó trở thành nhóm chơi game game kiếm tiền từ những game blockchain như Axie Infinity, Sandbox. Họ chơi game để kiếm tiền như một công việc thay thế. Thỉnh thoảng tôi hay đọc những bài dự báo về các thể loại xu hướng, kinh tế, đầu tư, công nghệ, game… P2E trong 2020, 2021 và nửa đầu 2022 được đánh giá rất cao, cùng với triển vọng phát triển của Bitcoin, NFT. Xem lại điểm số (2) ở trên, những thứ mới mẻ luôn cần back-up bởi truyền thông để nuôi dưỡng, support và thu hút đầu tư, người chơi, đặc biệt khi thứ mới mẻ đó là công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, game mới – những khái niệm trừu tượng vô hình. Hay nói một cách không chính thống, là nuôi dưỡng cơn high của giới đầu tư. Họ cũng có thứ số (3).
Người chơi cũng phải bỏ một số tiền ban đầu để chơi, và lúc này họ cũng trở thành nhà đầu tư. Điều này có nhiều người cho rằng tương đồng với mô hình kinh doanh đa cấp, lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước. Họ cũng có lý. Tuy nhiên, người chơi kiếm tiền nhờ sự tăng giảm điểm của đồng tiền ảo dùng giao dịch trong trò chơi.

Cốt lõi của mọi hệ thống, khái niệm xây dựng bởi con người đều dựa trên nền tảng niềm tin. Truyền thông sẽ gìn giữ và xây dựng niềm tin này. Nhưng một khi niềm tin lung lay rồi sụp đổ, hệ thống sẽ lung lay và sụp đổ theo.
Công nghệ là công nghệ, áp dụng sai hay đúng là do con người. P2E đối với tôi không phải mô hình bền vững, nó phải cạnh tranh với Free to play vốn là mô hình cực kì phổ biến đã tồn tại qua thời gian và nó xây dựng ưu tiên giải trí trước kiếm tiền sau. Chưa kể đến chất lượng của các game NFT cũng là một dấu hỏi lớn khi những game như Pixelmon xuất hiện với đồ họa cực flop, như một cú tát như trời giáng vào các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào dự án.

